EPS - Earnings Per Share - LÃI CƠ BẢN TRÊN 1 CỔ PHIẾU
1. Khái niệm
EPS (Earning per share) là một tỷ số tài chính được sử dụng để đo lường mức thu nhập sau thuế chứa đựng tính cho mỗi cổ phần thường hay còn được gọi là Thu nhập trên mỗi cổ phần
→ Đây là một yếu tố quan trọng nhất, quyết định giá trị của cổ phần bởi vì nó đo lường sức thu nhập chứa đựng trong một cổ phần hay nói cách khác nó thể hiện thu nhập mà nhà đầu tư có được do mua cổ phần.
2. Cách tính
EPS = ( Thu nhập lãi ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / lượng cổ phiếu bình quân đang lưu thông
- Trong việc tính toán EPS, sẽ chính xác hơn nếu sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ để tính toán vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian.
- Tuy nhiên trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ. Hai doanh nghiệp có thể có cùng tỷ lệ EPS nhưng một trong hai có thể có ít cổ phần hơn tức là doanh nghiệp này sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nếu như các yếu tố khác là cân bằng thì rõ ràng doanh nghiệp này tốt hơn doanh nghiệp còn lại. Vì doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra con số EPS hấp dẫn nên các nhà đầu tư cũng cần hiểu rõ cách tính của từng doanh nghiệp để đảm bảo "chất lượng" của tỉ lệ này. Tốt hơn hết là không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các chỉ số khác.
3. Ý nghĩa
- Với mỗi cổ phần thường nắm giữ, cổ đông nhận được bao nhiêu đồng lợi nhuận ròng.
- Tỷ số này càng cao thì cho thấy cổ đông càng nhận được thêm nhiều lợi nhuận. Chứng tỏ, Công ty đang hoạt động hiệu quả, và các nhà đầu tư, chủ sở hữu là những người được hưởng lợi nhiều nhất.
• Nếu EPS (Earning per share) bị âm, điều này cho thấy kết quả kinh doanh của Công ty đang bị lỗ. Công ty sẽ không có lợi nhuận để chia cho các nhà đầu tư, các chủ sở hữu. Điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến tâm lý của không chỉ nhà đầu tư, mà ảnh hưởng đến tâm lý của các đối tác của doanh nghiệp.
• Nếu EPS (Earning per share) càng gần về 0, càng cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh lại không mang về lợi nhuận ròng đáng kể, từ đó, sẽ không có ngân sách để tái sản xuất, cũng như phát triển mở rộng quy mô doanh nghiệp, cũng như có tiền để chi trả cổ tức cho các nhà đầu tư, chủ sở hữu.