Concerto là một thể loại rất tuyệt vời trong nhạc cổ điển. Từ concerto trong tiếng Ý có nghĩa là tụ tập, hoà vào nhau trong khi trong tiếng Latin lại có nghĩa là cuộc cạnh tranh hay trận chiến. Chính vì vậy, âm nhạc trong concerto rất đa dạng, khi thì các nhạc cụ độc tấu và và dàn nhạc hoà quyện, lúc thì lại đối lập tạo nên sự tương phản vô cùng độc đáo.
Xuất hiện lần đầu vào cuối thế kỷ 16 nhưng phải đến thời kỳ Baroque (cuối thế kỷ 17) thể loại concerto mới nở rộ nhờ vào những cái tên Johann Sebastian Bach (Brandenburg Concerto), George Frideric Handel (Concerto Grosso) và đặc biệt là Antonio Vivaldi với khoảng hơn 500 concerto cho hầu hết các nhạc cụ phổ biến thời kỳ đó (trong đó gần một nửa là dành cho violin). Với sự xuất hiện của concerto, các nghệ sĩ độc tấu được thoải mái thể hiện trình độ biểu diễn của mình thông qua các đoạn cadenza.
Thời kỳ Cổ điển, các nhạc sĩ Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig Van Beethoven vẫn tiếp tục truyền thống sáng tác các concerto. Nhưng lúc này chiếm vị trí chủ đạo là các concerto dành cho piano. Về mặt hình thức, các concerto đã dần trở nên dài hơn, quy mô dàn nhạc cũng lớn hơn đồng thời nội dung truyền tải cũng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, sự tương phản giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc chỉ xuất hiện rõ nét trong một số concerto thời kỳ cuối của Mozart và Beethoven.
Thời kỳ Lãng mạn là thời kỳ bùng nổ của cảm xúc. Các concerto trở nên đồ sộ không kém các bản giao hưởng, sự tương phản gay gắt giữa nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc đã được thể hiện rõ nét hơn, các kỹ thuật biểu diễn cũng ngày càng được hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, để biểu diễn được các concerto thời kỳ này đòi hỏi một nguồn năng lượng lớn hơn từ các nghệ sĩ. Rất nhiều các tuyệt tác được ra đời trong thời kỳ như các concerto của Mendelssohn, Liszt, Brahms, Tchaikovsky, Dvorak… Bên cạnh các cadenza do tác giả viết thì cũng xuất hiện rất nhiều các cadenza khác do chính các nghệ sĩ biểu diễn tự soạn.
Thế kỷ 20 đã không còn xuất hiện nhiều concerto nữa. Các nhạc sĩ lao vào khám phá các thể loại khác, các thử nghiệm khác. Nhưng thời kỳ này vẫn xuất hiện nhiều tuyệt tác như các concerto của Rachmaninov, Sibelius, Prokofiev, Elgar… Xuyên suốt chiều dài lịch sử nhạc cổ điển đã có rất nhiều bản concerto được biểu diễn.
Xếp hạng 20 Violin Concerto số 2 giọng Son thứ, Op. 63 (Sergei Prokofiev)
Đây hẳn là 1 bất ngờ với nhiều người. Violin Concerto số 2 không hề nổi bật trong số các concerto của Prokofiev, thậm chí Violin Concerto số 1 còn được biểu diễn nhiều hơn và được đánh giá cao hơn. Nhưng với tôi, tác phẩm này có một sức hút kỳ lạ.
Được biểu diễn lần đầu tại Madrid vào tháng 12/1935, tác phẩm được Prokofiev sáng tác tại Nga sau 15 năm lưu diễn tại Tây Âu và Mỹ. Violin Concerto 2 là sự phối hợp hài hoà giữa âm nhạc dân gian Nga với chủ đề chính của chương 1 và âm nhạc Tây Ban Nha qua khúc rondo bùng nổ ở chương 3.
Phiên bản gợi ý nghe: Vadim Repin với cảm xúc tuyệt vời được nghe live tại Vienna vào tháng 5/2014. → Bấm để nghe
Xếp hạng 19 Violin Concerto giọng Rê trưởng, Op. 77 (Johannes Brahms)
Lại là một bất ngờ nữa. Nhưng lần này theo xu hướng ngược lại. Chắc hẳn nhiều người cho rằng bản Violin Concerto này phải có được vị trí cao hơn.
Được Joseph Joachim, nghệ sĩ violin lừng danh và là bạn thân của Brahms biểu diễn ra mắt lần đầu vào tháng 1/1879 tại Leipzig, tác phẩm ngay lập tức trở thành một trong những tác phẩm đỉnh cao của Brahms cũng như kho tàng VC. Tác phẩm đặc trưng cho phong cách sáng tác của Brahms với những cảm xúc luôn được kìm nén trong chương 1, một sự bi thương với phẩn mở đầu ảm đạm của kèn Oboe xuyên suốt chương 2 và cảm xúc chỉ được tuôn trào mạnh mẽ trong chương kết.
Phiên bản gợi ý nghe: Frank Peter Zimmermann vì từng được nghe live cùng New York Philharmonic tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội. → Bấm để nghe
Xếp hạng 18 Piano Concerto giọng Son thứ, Op. 33 (Antonin Dvorak)
Được sáng tác vào năm 1876 nhưng phải đến tháng 3/1878 tác phẩm mới được biểu diễn lần đầu tiên. Không nằm trong danh mục các PC thường được biểu diễn, PC của Dvorak còn ít được biết đến hơn 2 concerto khác của ông. Nguyên nhân là Dvorak đã tạo ra phần độc tấu piano quá khó (theo Leslie Howard còn khó hơn bất cứ tác phẩm nào của Liszt). Nghệ sĩ piano Vilem Kurz đã phải soạn lại phần độc tấu này và được nhiều nghệ sĩ khác biểu diễn. Nhưng ngày nay, đã có một số nghệ sĩ đã biểu diễn với nguyên tác.
Với ý đồ không phải sáng tác 1 tác phẩm mà trong đó piano đối lập với dàn nhạc, Dvorak muốn bản concerto của mình gần với 1 bản giao hưởng hơn, trong đó piano đóng vai trò chủ đạo. Phần nổi bật nhất của tác phẩm nằm ở chương 2 với giai điệu piano tuyệt đẹp, đầy sâu lắng và cuốn hút.
Phiên bản gợi ý nghe: Còn version nào tuyệt hơn sự kết hợp hoàn hảo giữa Sviatoslav Richter và Carlos Kleiber huyền thoại? Đây có lẽ là bản thu concerto duy nhất của Kleiber? → Bấm để nghe
Xếp hạng 17 Clarinet Concerto giọng La trưởng, K. 622 (Wolfgang Amadeus Mozart)
Là concerto cho kèn duy nhất có trong danh sách, tác phẩm được biểu diễn lần đầu vào tháng 10/1791. Cũng là concerto cuối cùng của Mozart, CC đã hội tụ mọi tinh hoa trong âm nhạc của ông: tươi sáng, tinh khiết và đẹp một cách diệu kỳ.
Phiên bản gợi ý nghe: Chọn một người đã gây nên mâu thuẫn giữa Herbert von Karajan và Berlin Philharmonic: Sabine Meyer. → Bấm để nghe
Xếp hạng 16 Piano Concerto số 1 giọng Mi giáng trưởng, S. 124 (Franz Liszt)
Tác phẩm được biểu diễn lần đầu vào tháng 2/1855, chỉ dài khoảng 20 phút, ngắn hơn so với 1 bản concerto thông thường của thời kỳ này nhưng Piano Concerto số 1 là đỉnh cao trong kho tàng âm nhạc của Liszt: hào hoa, phóng khoáng và đòi hỏi cực kỳ khắt khe về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó cấu trúc của tác phẩm cũng cho thấy sự đi trước thời đại của Liszt về phong cách sáng tác.
Phiên bản gợi ý nghe: Krystian Zimerman với Seiji Ozawa và Boston Symphony Orchestra. → Bấm để nghe
Xếp hạng 15 Concerto cho 4 Harpsichord giọng La thứ, BWV 1065 (Antonio Vivaldi/Johann Sebastian Bach)
Là sự kết hợp hoàn hảo của 2 thiên tài thời kỳ Baroque, tác phẩm này ngày nay thường được biểu diễn bằng piano thay vì harpsichord. Khi có được tổng phổ bản concerto cho 4 đàn violin giọng Si thứ, Op. 3 No. 10 RV 580 trong tập L’estro armonico (cảm hứng hài hoà) của Vivaldi, Bach đã chuyển soạn tác phẩm này cho 4 đàn harpsichord. Một concerto điển hình cho thời kỳ Baroque.
Phiên bản gợi ý nghe: Còn version nào tuyệt vời sự kết hợp của Evgeny Kissin, Martha Argerich, Mikhail Pletnev, James Levine với dàn nhạc gồm toàn những tên tuổi khủng: Gidon Kremer, Vadim Repin, Sarah Chang, Yuri Bashmet, Mischa Maisky…? → Bấm để nghe
Xếp hạng 14 Piano Concerto số 23 giọng La trưởng, K. 488 (Wolfgang Amadeus Mozart)
Một trong những tuyệt tác của Mozart, Piano Concerto số 23 được hoàn thành vào tháng 3/1786. Tác phẩm là sự kết hợp tuyệt vời giữa sự trong trẻo, ấm áp trong chương 1 và 3 và sự u sầu, buồn bã nhưng vô cùng duyên dáng và thánh thiện trong chương 2. Trong dàn nhạc, Mozart đã sử dụng kèn clarinet hay vì kèn oboe như trong các PIANO CONCERTO số 20, 21 đã khiến màu sắc của toàn bộ tác phẩm đã trở nên tươi sáng hơn.
Phiên bản gợi ý nghe: Hơi lăn tăn một chút với Ashkenazy nhưng cuối cùng thì vẫn là bản thu huyền thoại của Vladimir Horowitz với Carlo Maria Giulini. → Bấm để nghe
Xếp hạng 13 Violin Concerto giọng Rê trưởng, Op. 35 (Peter Ilyich Tchaikovsky)
Lấy cảm hứng từ Symphonie Espagnole của Edouard Lalo, tác phẩm được biểu diễn lần đầu vào tháng 12/1881. Ban đầu tác phẩm bị một số nhà phê bình chỉ trích và một số nghệ sĩ violin từ chối biểu diễn vì phần độc tấu được viết không phù hợp với tính chất nhạc cụ và đòi phải biên tập lại phần này. Nhưng ngày nay Violin Concerto của Tchaikovsky được coi như một tuyệt tác và trở thành tác phẩm thường xuyên nằm trong danh mục “phải chơi” của các nghệ sĩ violin danh tiếng.
Phiên bản gợi ý nghe: Rất nhiều nghệ sĩ chơi thành công tác phẩm này nhưng ở đây sẽ chọn 1 nghệ sĩ ít được biết đến như vô cùng tài năng. Nếu như ông không mất sớm thì có lẽ ông đã che khuất cả David Oistrakh và Leonid Kogan: Yulian Sitkovetsky. → Bấm để nghe
Xếp hạng 12 Piano Concerto số 3 giọng Rê thứ, Op. 30 (Sergei Rachmaninov)
Một ngọn núi sừng sững tưởng như không thể vượt qua nổi. Rất nhiều nghệ sĩ lừng danh đã từng e ngại khi tiếp xúc với tác phẩm này vì nó chứa đựng nhiều đoạn nhạc quá khó đến mức tưởng như không thể chơi nổi.
Ngày nay mặc dù đã có nhiều nghệ sĩ trình diễn tác phẩm này nhưng không có quá nhiều người thành công. Chỉ có những nghệ sĩ sở hữu một nền tảng kỹ thuật siêu đẳng, một nguồn năng lượng tràn trề và một tâm hồn đồng điệu với nhà soạn nhạc vĩ đại mới có thể trình diễn hay tác phẩm này.
Phiên bản gợi ý nghe: Van Cliburn. Không phải vì ông là người chơi hay nhất mà có lẽ do ông là người dũng cảm nhất. Van Cliburn đã dám trình diễn tác phẩm này tại cuộc thi Tchaikovsky năm 1958 và giành giải nhất đầy thuyết phục trước nhiều vị giám khảo tìm mọi cách để hạ bệ ông. → Bấm để nghe
Xếp hạng 11 Violin Concerto giọng Rê thứ, Op. 47 (Jean Sibelius)
Chắc chắn đây là tác phẩm tuyệt vời nhất trong toàn bộ các sáng tác của Sibelius. Violin Concerto được biểu diễn lần đầu vào tháng 2/1904 và phiên bản hoàn thiện ra mắt vào tháng 10/1905.
Thay vì để dàn nhạc dẫn dắt tác phẩm như nhiều bản concerto khác, Sibelius đã để cây đàn violin tấu lên giai điệu tuyệt đẹp mở đầu chương 1 – một cách tiếp cận giống với VIOLIN CONCERTO của Mendelssohn. Trong phiên bản hoàn thiện, ông đã giảm bớt phần đệm của dàn nhạc để tôn lên âm sắc của nhạc cụ độc tấu. Ngày nay, một số nghệ sĩ như Leonidas Kavakos, Maxim Vengerov đã tìm đến phiên bản gốc.
Phiên bản gợi ý nghe: Gidon Kremer. → Bấm để nghe
Xếp hạng 10 Cello Concerto giọng Mi thứ, Op. 85 (Edward Elgar)
Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là tác phẩm xuất sắc nhất mà một người Anh từng sáng tác. Thật ngạc nhiên khi một người Anh lại có thể viết ra một bản nhạc tuyệt vời như vậy.
Ra mắt vào tháng 10/1919, tác phẩm ngay lập tức đã tạo cho người nghe một sự cuốn hút với chủ đề đầy chính đầy day dứt trên cây đàn cello và được nhắc đi nhắc lại trong chương 1. Những giai điệu buồn bã, trầm tư cứ thế nối tiếp nhau ở chương 2, chương 3 và ở chương cuối, chủ đề chính ở chương 1 lại được nhắc lại ở phần kết mang đến cho khán giả một sự ám ảnh khôn nguôi.
Phiên bản gợi ý nghe: Jacqueline du Pre với người chồng bội bạc Daniel Barenboim. → Bấm để nghe
Xếp hạng 09 Piano Concerto số 5 “Emperor” giọng Mi giáng trưởng, Op. 73 (Ludwig van Beethoven)
Biểu diễn lần đầu vào tháng 1/1811, tác phẩm ngay lập tức đã được coi là Hoàng đế của những bản concerto vì sự hoành tráng và lộng lẫy của nó. Đây có lẽ là bản concerto mang dáng dấp của một bản giao hưởng. Phần độc tấu của piano tự do, khoa trương, phóng khoáng hơn bất kỳ tác phẩm nào viết cho cây đàn piano trước đó của ông.
Phiên bản gợi ý nghe: Trong 1 bản thu âm tác phẩm này của Emil Gilels, người ta đã phong tặng ông là Emperor of this concerto. → Bấm để nghe
Xếp hạng 08 Violin Concerto giọng Mi thứ, Op. 64 (Felix Mendelssohn)
Không cần phải nói gì về tác phẩm này. Viên ngọc của trái tim. Những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết đầy sức lôi cuốn đặc trưng cho phong cách của Mendelssohn tạo cho bản nhạc một sức hút vô cùng mãnh liệt.
Phiên bản gợi ý nghe: Rất nhiều bản thu âm tuyệt vời những nhớ đến Martenzi nên quyết định chọn Leonid Kogan. → Bấm để nghe
Xếp hạng 07 Piano Concerto số 4 giọng Son trưởng. Op, 58 (Ludwig van Beethoven)
Được biểu diễn lần đầu vào tháng 12/1808, tác phẩm mang một phong cách u ám rất hiếm gặp ở Beethoven. Một sự trăn trở đầy mâu thuẫn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự sống và cái chết.
Phiên bản gợi ý nghe: Wilhelm Kempff. → Bấm để nghe
Xếp hạng 06 Concerto cho Violin và Cello “Double Concerto” giọng La thứ, Op. 102 (Johannes Brahms)
Một tác phẩm vô cùng độc đáo. Trình diễn lần đầu vào tháng 10/1887, bản concerto đã đạt đến sự cân bằng hoàn hảo giữa 2 nhạc cụ độc tấu, điều chúng ta không thể bắt gặp trong Triple Concerto của Beethoven. Sức mạnh, giai điệu sâu lắng và vẻ đẹp tuyệt vời đã đưa tác phẩm thành một trong những thành tựu tuyệt vời nhất của Brahms.
Phiên bản gợi ý nghe: Không nhiều bản thu âm đạt đến sự cân bằng hoàn hảo giữa violin và cello. Hiếm hoi có thể kể đến là Itzhak Perlman và Mstislav Rostropovich. → Bấm để nghe
Xếp hạng 05 Violin Concerto số 1 giọng Son thứ, Op. 26 (Max Bruch)
Đỉnh cao trong âm nhạc của Bruch. Tác phẩm tuyệt vời đến nỗi người ta lãng quên tất cả những sáng tác còn lại của ông.
Bản Violin Concerto được trình diễn lần đầu vào tháng 4/1866, tác phẩm mang một vẻ đẹp cổ điển, trang trọng, quyến rũ đầy trí tuệ và tràn đầy chủ nghĩa lãng mạn.
Phiên bản gợi ý nghe: Thực sự bó tay trong việc chọn ra 1 version thích nhất đối với tác phẩm này. Thôi thì chọn bản vừa nghe xong của Maxim Vengerov vậy. → Bấm để nghe
Xếp hạng 04 Piano Concerto số 1 giọng Si giáng thứ, Op.23 (Peter Ilyich Tchaikovsky)
Một tác phẩm mang một vẻ đẹp huy hoàng, lộng lẫy, đầy kiêu hãnh. Cũng chung số phận với bản VIOLIN CONCERTO của mình, PIANO CONCERTO #1 của Tchaikovsky không được đón nhận khi ra đời vì phần độc tấu quá khó chơi. Nhưng ngày nay, tác phẩm này đã trở nên quá phổ biến và là một trong những concerto được biểu diễn nhiều nhất trên thế giới.
Phiên bản gợi ý nghe: Đây là concerto mình nghe nhiều nhất, chắc không ít hơn 30 version. Bình thường thì sẽ chọn Sviatoslav Richter nhưng vì đã chọn ông cho PIANO CONCERTO của Dvorak nên thôi chọn người khác vậy. Cuối cùng chọn Evgeny Kissin với bản thu âm huyền thoại cùng Herbert von Karajan vì ấn tượng lần đầu xem bản này. → Bấm để nghe
Xếp hạng 03 Cello Concerto giọng Si thứ, Op. 104, B. 191 (Antonin Dvorak)
Một siêu phẩm dành cho cello. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa giai điệu trữ tình của nhạc cụ độc tấu và màu sắc phong phú của dàn nhạc. Cello tấu lên giai điệu cuối cùng như một tiếng thở dài được nối tiếp bằng phần kết đầy dông bão của dàn nhạc.
Phiên bản gợi ý nghe: Bình thường sẽ chọn Mstislav Rostropovich nhưng vì đã lỡ chọn ông cho Double Concerto rồi nên có lẽ sẽ chọn Yo-Yo Ma. → Bấm để nghe
Xếp hạng 02 Piano Concerto số 2 giọng Đô thứ, Op. 18 (Sergei Rachmaninov)
Một tác phẩm mang một vẻ đẹp sâu lắng, nên thơ, trữ tình và đầy lãng mạn. Chương 1 mở đầu với những hợp âm điềm đạm của piano sau đó hoà vào giai điệu trữ tình của dàn nhạc, chủ đề 2 nồng cháy, say đắm. Chương 2 ngọt ngào, lãng mạn, đầy màu sắc. Chương 3 khép lại đầy kịch tính và cuồng nhiệt đòi hỏi kỹ thuật tuyệt vời của người chơi đúng với phong cách của Rachmaninov.
Phiên bản gợi ý nghe: Alexis Weissenberg cùng Herbert von Karajan. → Bấm để nghe
Xếp hạng 01 Violin Concerto giọng Rê trưởng, Op. 61 (Ludwig van Beethoven)
Tuyệt tác của những tuyệt tác. Một tác phẩm đi trước thời đại của Beethoven. Một concerto viết theo lối cổ điển nhưng tràn đầy hơi thở lãng mạn. Chương 1 vẫn là 1 Beethoven cổ điển với phần mở đầu dài của dàn nhạc giới thiệu chủ đề tác phẩm điềm đạm, trang nghiêm. Chương 2 và 3 đã cho thấy 1 Beethoven lãng mạn hơn với giai điệu dành violin say đắm ở chương 2 hay đoạn duet tuyệt diệu giữa violin và bassoon ở chương 3.
PS: Chính Beethoven đã viết 1 phiên bản piano cho Violin Concerto này. Và Violin Concerto này có lẽ là 1 trong những concerto có nhiều cadenza nhất; đã có khoảng hơn 30 cadenza được các nhà soạn nhạc, các nghệ sĩ violin viết.
Phiên bản gợi ý nghe: Người số 1 chơi tác phẩm số 1. David Oistrakh. → Bấm để nghe
Nguồn : Nhạc cổ điển